Chữ Phúc tiêu biểu cho may mắn sung sướng, thường
dùng trong từ ngữ hạnh phúc. Người Á Đông, từ lâu đã
có nhiều hình tượng biểu thị chữ phúc, mà ngày nay người ta còn thấy trong
nhiều vật trang trí, trong kiến trúc, và cả trên y phục.
Từ đời nhà Minh (1368-1644), người
ta thường khắc trên cánh cửa chính một chữ phúc lớn như để đón đợi hạnh phúc
tới nhà, đúng như lời cầu mong của người Trung Quốc: 福 星 高 詔, phúc tinh cao chiếu, nghĩa là sao
phúc từng cao chiếu xuống hay câu: 多 福 多 壽 , đa phúc
đa thọ, nghĩa là nhiều may nhiều tuổi thọ, thường dùng để chúc
nhau. Ngoài hình con giơi tượng trưng cho chữ phúc, người ta còn dùng trái phật
thủ hay tranh ảnh
vị phúc
thần và vị môn thần dán trên cửa hay
khắc trên mặt cửa vào đình chùa dinh thự.
Ngày Tết nguyên đán, người Trung
Quốc có tục treo thuận hoặc treo ngược chữ Phúc ở trên cửa. Có hai truyện
truyền kỳ giải thích truyện này. Truyện thứ nhất là một truyện từ đời nhà Minh
(1368-1644) về chữ phúc viết thuận. Một hôm Minh Thái Tổ, Chu Nguyên Chương, vi
hành tới một thị trấn nhỏ. Nhà vua thấy một đám đông người cười rỡn bên một bức
họa. Tới gần, nhà vua thấy đó là một bức vẽ một bà già có bàn chân lớn quá khổ,
tay ôm một trái dưa hấu. Nhà vua nhận ra bà già này chính là hoàng hậu. Nổi
giận, nhà vua sai quân hầu theo dõi từng ngưòi trong đám người hỗn sược này về
tận nhà, và viết chữ phúc trên cửa, để ngày mai nhà vua sẻ phái quân tời bắt.
Trở về hoàng cung, nhà vua kể lại truyện này cho hoàng hậu nghe. Hoàng hậu vốn
sẵn từ tâm, bà khẩn sai quân hầu hỏa tốc tới thị trấn này viết chữ phúc trên
cửa mọi nhà dân. Sáng mai quan quân tới sau, không còn cách nào nhận ra được
những ai là kẻ bị nhà vua cho lệnh tới bắt. Từ đó, người ta tin rằng chữ phúc,
viết có thể dùng làm bùa hộ mạng cho mọi người.
Truyện thứ hai là truyền thoại từ
đời nhà Thanh (1661-1911) về chữ phúc viết hay treo ngược. Chiều ba mươi tết,
quan phủ lý của thái từ Cung Thân, cho lệnh treo chữ phúc trên cửa những chính
ra vào đông cung. Có một tên lính hầu không biết chữ, treo ngược chữ Phúc. Thái
từ nhìn thấy, nổi giận định trừng phạt tên lính hầu này. Quan phủ lý vốn là
người giầu từ tâm, liền nghĩ ra cách gỡ tội cho tên lính hầu. Quan còn biết
lòng thái tử khao khát may mắn để sớm lên ngôi báu. Ngài tâu thái tử: chữ phúc
treo ngược là chữ phúc đảo, 倒, theo tiếng Trung Quốc đồng âm
với chữ đáo 到, nghĩa là tới. Vậy chữ phúc treo
ngược là điềm báo phúc đang tới. Thái tử hài lòng, không những không trừng phạt
tên lính hầu mà còn trọng thưởng qua phủ lý và ban cho mỗi tên lính hầu năm
lạng bạc. Quả là phúc đã tới với đám người này trong đêm trừ tịch đó.
Phúc biến hoá thành phước
Phúc và phước lại là đồng
nghĩa dị âm. Chính âm là phúc. Biến âm thành phước. Vấn đề đặt ra: sự biến âm ấy diễn ra từ bao
giờ? Vì sao? Đâu là giới hạn?
Mọi người đều biết rằng hiện
tượng "viết chệch, đọc lệch" từng xuất hiện trong lịch sử do kiêng
húy. Chữ phúc bị kiêng, thoạt tiên từ
thời Tây Sơn. Thoái thực ký văn của
Trương Quốc Dụng (1797 - 1864) có đoạn: "Xã tôi xưa gọi là Long Phúc, vì
Nguyễn Huệ có tên giả là Phúc, nên đổi gọi là Long Phú".
Vậy là Phúc biến thành Phú,
tức thay hẳn cả chữ lẫn nghĩa. Còn Phúc biến
thành Phước thì giữ nguyên chữ nghĩa, chỉ
đổi âm, thực sự phổ biến kể từ năm Quý Mùi 1883 - thời điểm công tử Ưng Đăng
lên ngôi vua, chọn niên hiệu Kiến Phúc.
chữ phúc hóa long phượng |
Dù đây không phải là trọng húy
được triều đình chuẩn định ban bố, song từ hoàng thân quốc thích đến quan quân
lẫn thứ dân thảy đều gọi kiêng. Dòng họ Nguyễn Phúc được
đọc trại ra Nguyễn Phước. Theo đó, Phúc - Lộc - Thọ biến thành Phước - Lộc - Thọ; may
phúc thành may phước; phúc đức thành phước
đức; diễm phúc thành diễm phước, v.v. Tuy nhiên, do không phải trọng húy mà
chỉ là khinh huý, nên sự biến âm đã diễn ra chẳng triệt để. Vì thế cần lưu ý
rằng trong Việt ngữ, chẳng phải bất kỳ trường hợp nào phước đều
có thể thay thế hoàn toàn cho phúc. Ví dụ: hạnh phúc, phúc đáp, phúc âm, v.v.
Tương tự trường hợp hoa đổi thành bông (do
kiêng húy danh Tá Thiên Nhơn hoàng hậu Hồ Thị Hoa), nhiều khi phúc biến ra phước lại mang màu
sắc có vẻ "thuần Việt" hơn. So sánh ân
phúc với ơn phước ắt rõ điều
này.
Lưu ý rằng trong từ Hán - Việt
còn mấy chữ phúc đồng âm dị nghĩa: phúc輹 có nghĩa thanh gỗ ngang
dưới xe dùng nắt liền trục xe với thân bánh xe; phúc 輻 / 辐 có nghĩa nan hoa bánh xe;
phúc 蝮 có nghĩa rắn độc (như
phúc xà là rắn hổ mang); phúc 腹 có nghĩa là bụng (như tâm
phúc, phúc mạc, v.v.); phúc 覆 /复 có nghĩa lật lại, xem xét
lại kỹ càng (như phúc khảo, phúc hạch, v.v..); phúc 蝮 có nghĩa là chiều ngang,
khổ, viền mép vải, bức (như nhất phúc hoạ là một bức tranh); và phúc có nghĩa
là con dơi.
Chữ phúc chỉ con dơi được viết khác: không phải bộ thị mà là bộ trùng (tức
côn trùng, rắn rết, v.v.) đi kèm. Gọi cho đầy đủ theo tiếng Hán, con dơi là biên phúc 蝙蝠.
Tuy nhiên : cả hai
chữ phúc đều được phát âm là phú. Do đó, họ lấy hình ảnh
con dơi tượng trưng cho điều tốt lành, may mắn.
Mọi thông tin liên hệ:
Công ty TNHH đầu tư và phát triển địa ốc Tranh Đồng Xâm
SĐT: 0903. 11.66.28
Mail: tranhdongxammd@gmail.com
https://tranhdongxammd.blogspot.com
https://www.facebook.com/tranhdongxammd/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét