Đồng Xâm – Điểm sáng làng nghề truyền thống Thái Bình“Vàng Công, bạc Xâm, đồng Xá” - Thăng Long xưa có hai phường nghề nổi tiếng gần xa là vàng Định Công, đồng Ngũ Xá. Nhưng Thái Bình cũng không chịu thua kém đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến với chạm bạc Đồng Xâm. Điều đó đủ để biết, người dân Thái Bình không chỉ “khéo làm nông”, mà còn “thông chạm bạc”.
Bắt đầu từ làng “đồng doa” trong quá khứ
Theo nguồn tư liệu của Ban nghiên cứu lịch sử tỉnh
Thái Bình, làng Đồng Xâm thuộc phủ Kiến Xương (nay là huyện Kiến Xương) được
hình thành từ cuối đời Trần - Hồ, cách đây hơn 600 năm. Thế kỷ XV, làng có
nghề đồng doa - nghĩa là nghề sửa chữa các đồ dùng bằng đồng. Tại am thờ ông tổ
nghề làng chạm bạc nằm cạnh chùa Đường thuộc thôn Thượng Gia, những chứng tích
có liên quan tới quá trình biến đổi nghề truyền thống của làng vẫn được lưu lại
cho tới bây giờ. Cùng với văn bia thời Lê, Đồng Xâm trước kia còn có bảo vật
“thần tích” được khắc trên những lá đồng xâu lại với nhau, tiếc là hiện tại đã
không còn.
Các cụ già trong làng vẫn kể lại cho con cháu về ông
tổ nghề Nguyễn Kim Lâu. Nguyễn Kim Lâu là người vùng Bảo Lạc - Tuyên Quang xưa
(nay thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng), sống vào cuối thế kỷ XIV, xuất thân từ nghề
hàn, vá nồi đồng. Bài viết “Đồng Xâm 500 năm chạm bạc” của tác giả Phạm Đức
Duật trên báo Việt Nam và “Đông Nam Á ngày nay” tháng 2 năm 1945 có ghi
rõ: “Vào cuối thế kỷ XIV ở làng Đường Thâm huyện Chân Định trấn Sơn Nam có một
người thợ làm nghề hàn nồi tên là Nguyễn Kim Lâu ngày ngày quẩy gánh đồ nghề
cùng mấy chiếc nồi niêu cũ kỹ bằng đồng đi hết làng trên xã dưới hành nghề. Kiếm
ăn ở xung quanh vùng không đủ sống, ông ngày càng phải đi xa hơn. Bặt tăm sáu,
bảy năm trời bỗng một hôm người làng thấy ông trở về. Mái tóc đã pha sương,
trên vai ông nặng trĩu một đôi hòm gỗ đựng đồ nghề và của cải. Họ thấy ông giàu
có hơn xưa bèn bàn mua gỗ lim làm nhà ngói, ông lắc đầu nói: “Tôi gần nửa
đời người làm nghề hàn nồi mà chẳng đủ ăn. Sáu, bảy năm nay lên tận châu Bảo
Lạc học nghề chạm vàng bạc, nay tôi về muốn truyền cho con cháu trong làng. Tôi
muốn cả làng này có nghề, cả làng sẽ giàu có, cả làng sẽ có nhà gỗ lim lợp
ngói. Giàu có một nhà thì ngắn ngủi, giàu có cả làng mới lâu bền”. Từ đó, ông
đem nghề chạm bạc học được phổ biến cho người dân trong làng, từ từ hình thành
nên Đồng Xâm ngày nay.
Đại Tự Câu Đối |
Phường nghề đầu tiên được Nguyễn Kim Lâu thành lập gọi
là phường Phúc Lộc với ngót 150 thợ, chia thành 7 chi. Do đặc trưng của
sản phẩm thuộc loại “hàng xa xỉ, đồ quý” nên ban đầu chỉ có các đô thị là nơi
thích hợp cho việc hành nghề, giao lưu và tiêu thụ hàng hóa. Chính vì vậy khá
nhiều thợ nghề Đồng Xâm có thời điểm phải lưu tán khắp các vùng đất làm ăn
trong một thời gian dài…
Làng Đồng Xâm lúc thịnh, lúc suy
Là một làng nghề không thể tránh khỏi có lúc thịnh,
lúc suy, Đồng Xâm cũng không ngoại lệ. Thợ nghề Đồng Xâm tay nghề ổn định,
chăm chỉ, cần cù, ham học hỏi, sản phẩm cũng vì vậy mà mỗi lúc một tinh xảo,
hấp dẫn, chẳng mấy chốc đã được khách sành chơi yêu thích ưa chuộng, đặc biệt
là giới quý tộc thời bấy giờ. Từ thời Lê - Trịnh đến thời Nguyễn, nhiều
thợ được triệu lên kinh đô phục vụ cho triều đình chế tác vật phẩm khảm vàng,
bạc như đồ thờ, đồ tiến cúng, đồ dùng sinh hoạt cung đình và cả đồ dùng cho các
vị đại thần trong triều. Có thợ khéo còn được vua ban thưởng, hưởng lộc bát
phẩm. Người thợ Đồng Xâm cứ như thế vào Nam ra Bắc, mang danh tiếng đất làng
phổ biến rộng khắp. Sang đầu thế kỷ XX, nhiều sản phẩm của làng cùng thợ giỏi
còn được chính phủ bảo hộ đưa sang Paris dự hội chợ triển lãm và dạy nghề, như
trường hợp của ông Cửu Môn, người thôn Thượng Hòa.
Đồng Xâm rơi vào khó khăn thời điểm kháng chiến chống
Pháp (1945- 1954) và thời kỳ bao cấp (1955- 1985), làng nghề hầu như không phát
triển được, một số gia đình phải bỏ nghề đi nơi khác làm ăn, các hợp tác xã
đứng trước nguy cơ giải thể. Phụ nữ làng Đồng lúc đó còn có câu ca:
Bao giờ tiền có gạo còn
Thì em ở lại trông hòm cho anh
Bây giờ tiền hết gạo không
Mời anh ở lại mà trông lấy hòm
Sau năm 1986, nghề chạm bạc từng bước được phục hồi và
phát triển nhờ tác động của chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của
Đảng và Nhà nước ta. Ngoài sự hỗ trợ từ bên ngoài, Đồng Xâm có thể duy trì
được nghề cổ truyền cũng bởi tính đoàn kết, tương thân tương ái giữa chính
những người dân trong làng. Lệ xưa có viết: người thợ Đồng Xâm mỗi khi thấy thợ
bạn cầm trên tay một chiếc lông gà hoặc hòn than, chứng tỏ đó là tín hiệu kêu
cứu của họ. Cần tiền giúp tiền, cần sức giúp sức, những người làng lưu lạc nơi
tha phương phải biết nương tựa vào nhau mà sống, “bần phú tương san, hoạn nạn
tương cứu”.
Giữ vững và phát triển nghề cổ truyền trong thời hiện
đại
Từ năm 1995, tỉnh Thái Bình đã tập trung xây dựng các
dự án phát triển du lịch làng nghề, trong đó Đồng Xâm là dự án trọng điểm, trở
thành điểm du lịch lễ hội truyền thống và làng nghề. Cụ thể: Tỉnh đã phê duyệt
quy hoạch thị tứ Đồng Xâm trải dài 3km ven trục đường 222 với tổng kinh phí 30
tỷ đồng. Đây là cơ sở để xã Hồng Thái xác định hướng phát triển làng nghề gắn
liền với du lịch văn hóa, xây dựng thị tứ Đồng Xâm đến hết năm 2015, từng bước
đi lên thị trấn Đồng Xâm vào năm 2020, nâng giá trị sản xuất đạt trên 45 tỷ
đồng/năm, chiếm 55% tổng giá trị thu nhập toàn xã; ngành dịch vụ thương mại đạt
20 tỷ đồng, chiếm 20% tổng giá trị thu nhập toàn xã, thu hút trên 3.500 lao
động. Đồng thời quan tâm trùng tu, tôn tạo các di tích: đền Đồng Xâm, đền
Thượng Hòa, am thờ tổ nghề.. để lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu.
Sang đầu năm 2014, tiềm năng du lịch của Đồng
Xâm lần nữa được khẳng định bởi Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) và Tổ
chức Hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA), tạo điều kiện đưa tên tuổi
Đồng Xâm quảng bá tới các nhà đầu tư, hoạch định trong nước và quốc tế.
Hiện nay chạm bạc Đồng Xâm đã mở rộng kinh doanh các
mặt hàng truyền thống ra phạm vi cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Sản
phẩm của làng nghề được yêu thích không chỉ bởi hình thức tinh xảo, cầu kỳ,
chất lượng ổn định, mà có lẽ còn bởi qua đó, người ta có thể nhìn thấy quyết
tâm năm nào của người con Đồng Xâm, vượt trăm ngàn khó khăn để giữ cho ngọn lửa
truyền thống mãi mãi trường tồn.
<< nguồn: sở văn hóa thể thao và du lịch>>
Mọi thông tin liên hệ:
Công ty TNHH đầu tư và phát triển địa ốc Tranh Đồng Xâm
SĐT: 0903. 11.66.28
Mail: tranhdongxammd@gmail.com
https://www.facebook.com/tranhdongxammd/